Cai-phe
Tác giả: Adele Reinhartz
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Những nguồn tài liệu cổ xưa cho chúng ta biết gì về Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Cai-phe?
Giô-sép Con Trai Của Cai-phe, thường được gọi tắt là Cai-phe, là thầy tế lễ thượng phẩm ở Giê-ru-sa-lem trong thời gian của Giê-su từ 18 C.N. đến 36 hoặc 37 C.N. Theo Giô-si-phu, thống đốc La Mã của Giu-đê, Valerius Gratus bổ nhiệm Cai-phe (AJ 18,33-35). Phi-lát giữ Cai-phe ở vị trí này, và sau đó thống đốc của Si-ri-a là Vitellius loại phế Cai-phe khi Phi-lát được gọi về lại Rô-ma (AJ 18,90-95). Ngoài việc chép lại sự kiện Cai-phe được bổ nhiệm và phế bỏ, sử gia Giô-si-phu không đề cập điều gí khác về Cai-phe. Cai-phe là một nhân vật rất quan trọng dưới ánh mắt của các tác giả Tân Ước, bởi vì ông là tế lễ thượng phẩm tại thời điểm mà Giê-su bị đóng đinh. Hai sách Phúc âm, và phần lớn truyền thống Cơ-đốc giáo sau này, cũng như được miêu tả trong văn học, nghệ thuật, kịch và phim, Cai-phe đã đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện dẫn đến cái chết của Giê-su.
Cai-phe đã đóng vai trò nào trong các sự kiện dẫn đến cái chết của Giê-su?
Rất khó mà đoán được rằng Cai-phe đã biết gì về Giê-su. Mỗi sách Phúc âm miêu tả sự liên hệ của Cai-phe trong việc đóng đinh Giê-su một cách khác nhau. Theo Phúc âm Giăng, Cai-phe lo ngại rằng sự thành công của Giê-su trong việc thu hút những người theo khiến Rô-ma đàn áp dân chúng, và vì lý do đó, ông đã thuyết phục Hội đồng tìm cách mưu sát Giê-su (Giăng 11: 49–52). Nhưng theo Giăng, Cai-phe không đóng vai trò trực tiếp nào trong các sự kiện dẫn đến cái chết của Giê-su. Ma-thi-ơ miêu tả một nhóm các nhà lãnh đạo Do Thái tập hợp tại nhà Cai-phe, và họ đưa ra quyết định giết Giê-su; nhưng Ma-thi-ơ không nói rằng Cai-phe đã tham gia vào cuộc tụ họp đó (Ma-thi-ơ 26:3–4). Tuy nhiên, Ma-thi-ơ mô tả Cai-phe là người chủ trì phiên họp của các thầy tế lễ trưởng và Hội đồng, và tại Hội đồng này họ làm chứng chống lại Giê-su (Ma-thi-ơ 26:57–75). Ma-thi-ơ ghi lại rằng Cai-phe chất vấn Giê-su hỏi rằng Ngài có phải là Đấng Ma-shi-akh (Đấng Được Xức Dầu), là Con của Đức Chúa Trời hay không. Khi nghe Giê-su trả lời, Cai-phe xé quần áo của mình, tuyên bố Giê-su phạm thượng và khiến Hội đồng ra một bản án kết tội. Phúc âm Mác không đề cập đến đích danh của Cai-phe, nhưng Mác có nhắc đến việc có một thầy tế lễ thượng phẩm làm chủ tọa một phiên họp của Hội đồng (Mác 14:56–64). Phúc âm Lu-ca, giống như Giăng, không liên hệ Cai-phe với bất kỳ cuộc thẩm vấn hay điều tra nào. Không có sách phúc âm nào nhắc lại vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm trong phần còn lại của câu chuyện thương khó: phiên tòa trước Phi-lát, việc kết án và đóng đinh Giê-su. Công-vụ các Sứ-đồ liệt kê Cai-phe trong danh sách các nhà cầm quyền thẩm vấn hai Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng sau khi Chúa Giê-su chết (Công-vụ các Sứ-đồ 4:6), nhưng Cai-phe không được đóng vai trò cụ thể nào.
Là một thầy tế lễ thượng phẩm, Cai-phe giám sát việc dâng của lễ và xem xét các lễ thường xuyên khác tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đặc biệt quan trọng là vai trò của ông trong Ngày Lễ Chuộc Tội, vì chỉ có ông, và chỉ có một mình ông, mới có thể được vào nơi Chí Thánh để cầu xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của chính mình và của dân sự. Là một thầy tế lễ thượng phẩm trong kỷ nguyên sau 6 C.N. khi Giu-đe ở dưới sự cai trị trực tiếp của Rô-ma, Cai-phe phải làm việc dưới sự ủy quyền của thống đốc Rô-ma, Cai-phe có quyền bổ nhiệm một thầy tế lễ mà ông chọn, và cũng có quyền mặc bộ áo lễ thiêng liêng tráng lệ tượng trưng cho giá trị của thầy tế lễ thượng phẩm. Là một thầy tế lễ thượng phẩm đã phục vụ nhiều năm dưới hai thống đốc Rô-ma, Cai-phe có thể đã có kinh nghiệm và có kỹ năng khéo léo dàn xếp sự việc để không làm cho người dân của mình và thống đốc Rô-ma phẫn nộ.
Ta có thể thông cảm được rằng sử gia Giô-si-phu, có thể biết hoặc không biết về Giê-su, và đã không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về vai trò Cai-phe trong câu chuyện của Giê-su. Khi kết hợp lại với nhau, các sách phúc âm cung cấp nhiều bằng chứng về sự liên hệ của Cai-phe trong các sự kiện dẫn đến cái chết của Giê-su, chúng ta phải nhớ rằng các sách phúc âm được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất, vài thập kỷ sau khi bị đóng đinh, và tại thời điểm ít nhất vài năm sau khi ngôi đền thờ bị phá hủy và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm bị hủy bỏ. Đương nhiên, có thể Cai-phe thực sự là kẻ chủ mưu khiến Giê-su bị kết án tử hình. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét rằng các tác giả phúc âm, hoặc các truyền thống mà họ dựa vào, phải viết ra một câu chuyện ký thuật mạch lạc để giải thích tại sao và làm thế nào mà một người Do Thái Ga-li-lê lại có thể lại bị kết án tử hình bởi thống đốc Rô-ma. Cai-phe, một thầy tế lễ thượng phẩm người Do Thái, là người có thể đã cảm thấy bị đe dọa bởi một nhà lãnh đạo tôn giáo người Ga-li-lê mới nổi tiếng, cho nên rất hợp lý rằng Cai-phe là người đã chủ mưu.