Search the Site

Donate

Death of Jezebel (Vietnamese)

Cái chết đổ máu thảm khốc của Giê-sa-bên biểu hiện cho sự trục xuất ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo ngoại và bác bỏ sự cai trị dưới quyền lãnh đạo của phụ nữ ở Do Thái.


death-of-jezebel

Cái chết của Giê-sa-bên

Tác giả Jennifer L. Koosed

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Trong II Các Vua 9:30–37, Giê-sa-bên bị hủy diệt dưới bàn tay của Giê-hu, các hoạn quan của bà, và với một đàn ngựa và một bầy chó — phải dùng rất nhiều sức lực như vậy để giết một bà hoàng hậu. Khi Giê-sa-bên nghe tin Giê-hu đến Gít-rê-ên, bà trang điểm bằng cách vẽ mắt và chải tóc, những hành động nầy thường được xem là để khêu gợi. Tuy nhiên, đây là những hành vi của một hoàng hậu ngạo mạn và quyền thế. Bà dọn mình trong sự lộng lẫy của hoàng gia và đứng bên cửa sổ để chờ kẻ cướp ngôi đến. Những hành động trang điểm này biểu lộ quyền lực chính trị hơn là sự quyến rũ tình dục, nhận xét nầy được xác nhận bằng lời nói của Giê-sa-bên với Giê-hu khi ông ta đến đầu cổng thành. Giê-sa-bên lớn tiếng chế nhạo: Bình-yên chăng, hỡi Xim-ri, kẻ giết chúa của mình? Bà ám chỉ về cuộc đảo chính trước đó của Xim-ri, người đã giết vua Ê-la và tất cả những người chống đối khác để cướp ngôi (I Các-Vua 16:8–14). Lời tuyên bố của bà cũng có thể xem như là một lời nguyền rủa để cản trở sự thành công của cuộc nổi loạn Giê-hu, vì Xim-ri chỉ trị vì được một tuần trước khi ông ta trở thành nạn nhân của bạo lực chính trị (1 Các-Vua 16:15–20). Những lời cuối cùng của Giê-sa-bên rõ ràng không phải để quyến rũ mà là để chế giễu Giê-hu; sự trang điểm của bà có thể được hiểu theo cùng một ý nghĩa.

Giê-hu trả lời, “Ai là người theo ta?” Đáp lại lời kêu gọi của ông ta, các hoạn quan của Giê-sa-bên ném bà ra ngoài cửa sổ, máu bà bắn tung tóe khi bà rơi xuống đất. Giê-hu vố ngựa vấy bùn giày đạp lên bà. Hình ảnh của một người phụ nữ được tô điểm đứng ở cửa sổ không chỉ gợi lên quyền lực của hoàng gia mà của cả các nữ thần (đặc biệt là nữ thần Ai-cập Ha-tho, thần A-sê-ra và Át-tạt-tê), là những nữ thần cũng được miêu tả nhìn ra ngoài cửa sổ. Theo cách này, cái chết của Giê-sa-bên không chỉ là cái chết của một công chúa xứ Phê-ni-xi, người đã trở thành hoàng hậu của Y-sơ-ra-ên mà còn tượng trưng cái chết của các nữ thần mà bà thờ phượng và đại diện. Chỉ giết Giê-sa-bên là không đủ; bà ấy phải bị trục xuất khỏi cộng đồng chính trị và tôn giáo theo một khuyên hướng tàn khốc.

Xác chết của Giê-sa-bên bị cấu xé ra nhiều mảnh, Giê-hu vào trong để ăn tối. Rồi như suy nghĩ lại, ông ta ra lệnh chôn cất Giê-sa-bên. Trong khi Giê-hu ăn uống, thì những con chó bên ngoài cũng đang ăn cắn xé cơ thể Giê-sa-bên. Chó là biểu tượng sức mạnh trong tôn giáo của Ca-na-an, đặc biệt gắn liền với các nữ thần A-nát và Át-tạt-tê và thần Ba-anh. Đây là một sự mỉa mai trớ trêu và sâu sắc. Giê-sa-bên, kẻ đã thờ phượng các thần này lại bị nuốt chửng bởi họ, tất cả để cho sự chiến thắng của Y-sơ-ra-ên. Chỉ còn sót lại cái sọ, hai chân, và lòng bàn tay của Giê-sa-bên. Tài liệu tham khảo thêm về thần A-nát có thể giải thích tại sao chỉ có những phần trên là không bị ăn mất. Theo thần thoại Ca-na-an, A-nát đeo vòng cổ và thắt lưng sọ người và bàn tay. Các nghi lễ tôn giáo và hình ảnh của các đạo giáo Cận Đông cổ đại bị đảo ngược, biến thái và lật đổ trong cái chết của Giê-sa-bên.

Bị các con chó ăn thịt, Giê-sa-bên trở thành con vật; sự phi nhân hóa của bà ấy đã hoàn tất. Giê-sa-bên là một phụ nữ của dân Phê-ni-xi, một hoàng hậu mạnh mẽ và là người tôn thờ các thần khác ngoài Yahweh. Bà ta khác biệt về mặt dân tộc và tôn giáo, vi phạm vai trò phù hợp của giới tính, và do đó là một mối nguy hiểm. Cái chết và sự hủy diệt của Giê-sa-bên đã xóa sổ “thần khác”để bảo vệ và giữ gìn một cộng đồng đúng đắn của Y-sơ-ra-ên.

  • Jennifer L. Koosed

    Jennifer L. Koosed is professor of religious studies at Albright College in Reading, Pennsylvania. She is the author of Gleaning Ruth: A Biblical Heroine and Her Afterlives (University of South Carolina Press, 2011). She has edited The Bible and Posthumanism (SBL, 2014) and, with Stephen Moore, Affect Theory and the Bible, a special issue of the journal Biblical Interpretation (2014).